Thành lập trung tâm dạy nghề quốc tế

Ngày đăng: 11/01/2022

Căn cứ pháp lý 

  • Luật đầu tư 2020;
  • Biểu cam kết trong khuôn khổ WTO
  • Nghị định 143/2016/NĐ-CP quy định điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp 
  • Nghị định 15/2019/NĐ-CP hướng dẫn Luật giáo dục nghề nghiệp 
  • Quyết định 14/2008/QĐ-BGDĐT về Điều lệ Trường Mầm non do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành

Tỷ lệ sở hữu vốn của nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư vào thành lập trung tâm dạy nghề

Theo Biểu cam kết gia nhập WTO của Việt Nam đối với dịch vụ giáo dục (giáo tiểu học (CPC 921), giáo dục phổ thông (CPC 922), giáo dục bậc cao (CPC 923), giáo dục cho người lớn (CPC 924) và dịch vụ giáo dục khác, bao gồm đào tạo ngoại ngữ (CPC 929), tính đến thời điểm hiện tại, không có hạn chế nào về tỷ lệ sở hữu vốn của nhà đầu tư nước ngoài.
 “Như vậy, Nhà đầu tư nước ngoài được phép thành lập trung tâm dạy nghề với 100% vốn đầu tư tại Việt Nam. 

Điều kiện thành lập trung tâm dạy nghề

  • Có đề án thành lập.
  • Phù hợp với quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp Việt Nam.
  • Quy mô đào tạo (đã bị bãi bỏ).
  • Có địa điểm xây dựng cơ sở vật chất đảm bảo diện tích đất sử dụng tối thiểu là 1000 m2.
  • Vốn đầu tư: bằng nguồn vốn hợp pháp, không bao gồm giá trị về đất đai, tối thiểu là 05 tỷ đồng.

Điều kiện đăng ký hoạt động

  • Có đủ chương trình, giáo trình đào tạo của từng nghề đăng ký hoạt động và phải được xây dựng, thẩm định, ban hành theo quy định của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
  • Có đội ngũ giáo viên đạt tiêu chuẩn, trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề và nghiệp vụ sư phạm theo quy định của pháp luật; bảo đảm tỷ lệ học sinh quy đổi trên giáo viên quy đổi tối đa là 25 học sinh/giáo viên; có giáo viên cơ hữu cho nghề tổ chức đào tạo.

Điều kiện dành cho nhà đầu tư nước ngoài

Ngoài điều kiện nêu trên, nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào trung tâm dạy nghề cần đáp ứng thêm:

  • Chương trình đào tạo: không có nội dung gây phương hại đến quốc phòng, an ninh quốc gia, lợi ích cộng đồng; không truyền bá tôn giáo, xuyên tạc lịch sử; không ảnh hưởng xấu đến văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam.
  • Được tổ chức giảng dạy chương trình đào tạo của Việt Nam; chương trình đào tạo của nước ngoài trong khuôn khổ các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài theo quy định

Trình tự, thủ tục cho phép thành lập trung tâm dạy nghề

Hồ sơ cho phép thành lập Trung tâm

  • Văn bản đề nghị cho phép thành lập theo mẫu 
  • Đề án thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo mẫu 
  • Bảng mô tả quy hoạch mặt bằng các công trình kiến trúc xây dựng của Trung tâm.
  • Bản sao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong đó xác định rõ địa chỉ, diện tích, mốc giới của khu đất và thỏa thuận về nguyên tắc thuê cơ sở vật chất sẵn có phù hợp với quy định của pháp luật và các giấy tờ pháp lý liên quan còn thời hạn ít nhất là 05 năm kể từ ngày gửi hồ sơ.
  • Văn bản xác nhận khả năng tài chính để đầu tư xây dựng cơ sở giáo dục nghề nghiệp của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.
  • Giấy tờ khác chứng minh quyền sở hữu về tài sản là vốn góp của cá nhân đề nghị thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp (nếu có).

Nếu Trung tâm có từ 02 thành viên góp vốn trở lên cần bổ sung

  • Biên bản cử người đại diện đứng tên thành lập Trung tâm.
  • Danh sách trích ngang các thành viên Ban sáng lập Trung tâm.
  • Danh sách, hình thức và biên bản góp vốn của các thành viên cam kết góp vốn thành lập.

Hồ sơ cho phép thành lập Trung tâm có vốn đầu tư nước ngoài

  • Văn bản đề nghị cho phép thành lập theo mẫu 
  • Bản sao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (đối với các trường hợp nhà đầu tư nước ngoài phải thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định của pháp luật đầu tư);
  • Đề án thành lập theo mẫu;
  • Bản sao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở hoặc văn bản chấp thuận cho thuê đất của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong đó xác định rõ địa chỉ, diện tích, mốc giới của khu đất và thỏa thuận về nguyên tắc thuê cơ sở vật chất sẵn có phù hợp với quy định của pháp luật và các giấy tờ pháp lý liên quan còn thời hạn ít nhất là 05 năm kể từ ngày gửi hồ sơ;
  • Giấy tờ chứng minh năng lực tài chính để chứng minh số vốn đầu tư.

Nếu Trung tâm có từ 2 thành viên trở lên, cần bổ sung

  • Bản sao giấy tờ chứng minh quyền sở hữu về tài sản kèm theo văn bản thẩm định giá về tài sản là vốn góp của tổ chức, cá nhân nước ngoài hoặc các bên liên doanh đề nghị thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài;
  • Biên bản cử người đại diện đứng tên thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài của tổ chức, cá nhân nước ngoài hoặc các bên liên doanh;
  • Danh sách, hình thức và biên bản góp vốn của các thành viên liên doanh cam kết góp vốn thành lập.

Cơ quan tiếp nhận hồ sơ: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trên địa bàn.

Thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp

Hồ sơ đăng ký hoạt động bao gồm

  • Văn bản đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp theo mẫu 
  • Báo cáo các điều kiện bảo đảm cho hoạt động giáo dục nghề nghiệp theo mẫu kèm theo các giấy tờ chứng minh.
  • Bản sao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (nêu có) và Báo cáo các điều kiện bảo đảm cho hoạt động giáo dục nghề nghiệp theo mẫu kèm theo các giấy tờ chứng minh (đối với Trung tâm có vốn đầu tư nước ngoài).

Cơ quan tiếp nhận hồ sơ: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi đặt trụ sở chính của cơ sở.

Thủ tục đăng ký hoạt động giáo dục trực tuyến (đăng ký thiết lập website thương mại điện tử)

Thực hiện trực tuyến tại Cổng thông tin Quản lý hoạt động thương mại điện tử tại địa chỉ www.online.gov.vn theo các bước sau:
Bước 1: đăng ký tài khoản đăng nhập hệ thống bằng việc cung cấp những thông tin sau:

  • Tên thương nhân, tổ chức, cá nhân;
  • Số đăng ký kinh doanh của thương nhân hoặc số quyết định thành lập của tổ chức hoặc mã số thuế cá nhân của cá nhân;
  • Lĩnh vực kinh doanh/hoạt động;
  • Địa chỉ trụ sở của thương nhân, tổ chức hoặc địa chỉ thường trú của cá nhân;
  • Các thông tin liên hệ.

Bước 2: Trong thời hạn 3 ngày làm việc, thương nhân, tổ chức, cá nhân nhận kết quả từ Bộ Công Thương cấp một tài khoản đăng nhập hệ thống.
Bước 3: đăng nhập, chọn chức năng Thông báo website thương mại điện tử và tiến hành khai báo thông tin theo mẫu.
Bước 4: Thương nhân, tổ chức, cá nhân nhận thông tin phản hồi của Bộ Công Thương qua địa chỉ thư điện tử đã đăng ký về một trong các nội dung sau:

  • Xác nhận thông tin khai báo đầy đủ, hợp lệ;
  • Cho biết thông tin khai báo chưa đầy đủ hoặc không hợp lệ. Khi đó, thương nhân, tổ chức, cá nhân phải quay về Bước 3 để khai báo lại hoặc bổ sung các thông tin theo yêu cầu. Trong vòng 10 ngày làm việc kể từ khi nhận được thông báo yêu cầu bổ sung thông tin, nếu thương nhân, tổ chức, cá nhân không có phản hồi thì hồ sơ thông báo sẽ bị chấm dứt và phải tiến hành thông báo lại hồ sơ từ Bước 3.

Bước 5: Xác nhận thông báo: trong vòng 3 ngày làm việc sau đó, Bộ Công Thương sẽ gửi cho thương nhân, tổ chức, cá nhân qua địa chỉ thư điện tử đã đăng ký một đoạn mã để gắn lên website thương mại điện tử bán hàng, thể hiện thành biểu tượng đã thông báo. Khi chọn biểu tượng này, người sử dụng được dẫn về phần thông tin thông báo tương ứng của thương nhân, tổ chức, cá nhân tại Cổng thông tin Quản lý hoạt động thương mại điện tử.

Dịch vụ tư vấn thành lập trung tâm dạy nghề quốc tế của Viettonkin

  • Tư vấn về tỷ lệ sở hữu vốn, điều kiện đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài đầu tư thành lập trung tâm dạy nghề tại Việt Nam 
  • Tư vấn, soạn thảo hồ sơ; đại diện nhà đầu tư làm việc với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam trong quá trình xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, thủ tục cho phép hoạt động trung tâm dạy nghề, Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp
  • Tư vấn lựa chọn hình thức đầu tư phù hợp cho nhà đầu tư nước ngoài, tư vấn việc chọn địa điềm thành lập, mở tài khoản ngân hàng, chuyển vốn góp theo quy định pháp luật;
  • Cung cấp các dịch vụ về tư vấn kế toán- thuế, lao động – bảo hiểm, các vấn đề liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ khi hoạt động tại Việt Nam
     
TOP
+84 976 099 921
+84 976 099 921