Căn cứ pháp lý về việc nhập cảnh của người nước ngoài vào Việt Nam
- Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014;
- Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam sửa đổi 2019;
- Nghị định 07/2017/NĐ-CP quy định trình tự, thủ tục thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam;
- Thông tư 31/2015/TT-BCA hướng dẫn về cấp thị thực, cấp thẻ tạm trú, cấp giấy phép xuất nhập cảnh, giải quyết thường trú cho người nước ngoài tại Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành;
- Thông tư 04/2015/TT-BCA quy định mẫu giấy tờ liên quan đến việc nhập, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Công An ban hành;
- Thông tư 57/2020/TT-BCA sửa đổi Thông tư 04/2015/TT-BCA quy định về mẫu giấy tờ liên quan đến việc nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành;
- Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
- Thông tư 219/2016/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí trong lĩnh vực xuất, nhập, quá cảnh, cư trú tại Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
Trình tự thủ tục nhập cảnh vào Việt Nam của người nước ngoài
Điều kiện để nhập cảnh vào Việt Nam để làm việc của người nước ngoài
Người nước ngoài được nhập cảnh khi có đủ các điều kiện sau đây:
- Có hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế;
- Có thị thực;
- Không thuộc trường hợp chưa cho nhập cảnh quy định sau:
- Trẻ em dưới 14 tuổi không có cha, mẹ, người giám hộ hoặc người được ủy quyền đi cùng
- Giả mạo giấy tờ, khai sai sự thật để được cấp giấy tờ có giá trị nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú
- Người bị mắc bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh truyền nhiễm gây nguy hiểm cho sức khỏe cộng đồng
- Bị trục xuất khỏi Việt Nam chưa quá 03 năm kể từ ngày quyết định trục xuất có hiệu lực
- Bị buộc xuất cảnh khỏi Việt Nam chưa quá 06 tháng kể từ ngày quyết định buộc xuất cảnh có hiệu lực
- Vì lý do phòng, chống dịch bệnh
- Vì lý do thiên tai
- Vì lý do quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội
Ký hiệu một số thị thực phổ biến sau:
- NN1 - Cấp cho người là Trưởng văn phòng đại diện, dự án của tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam
- NN2 - Cấp cho người đứng đầu văn phòng đại diện, chi nhánh của thương nhân nước ngoài, văn phòng đại diện tổ chức kinh tế, văn hóa, tổ chức chuyên môn khác của nước ngoài tại Việt Nam
- NN3 - Cấp cho người vào làm việc với tổ chức phi chính phủ nước ngoài, văn phòng đại diện, chi nhánh của thương nhân nước ngoài, văn phòng đại diện tổ chức kinh tế, văn hóa và tổ chức chuyên môn khác của nước ngoài tại Việt Nam
- LĐ1 - Cấp cho người nước ngoài làm việc tại Việt Nam có xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác
- LĐ2 - Cấp cho người nước ngoài làm việc tại Việt Nam thuộc diện phải có giấy phép lao động
Điều kiện cấp thị thực cho người nước ngoài
- Có hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế
- Có cơ quan, tổ chức, cá nhân tại Việt Nam mời, bảo lãnh làm thủ tục tại cơ quan quản lý xuất nhập cảnh
- Không thuộc các trường hợp chưa cho nhập cảnh
Thời hạn của các thị thực trên
- Thị thực ký hiệu NN1, NN2, NN3 có thời hạn không quá 12 tháng
- Thị thực ký hiệu LĐ1, LĐ2 có thời hạn không quá 02 năm
Thị thực hết hạn, được xem xét cấp thị thực mới.
Thời hạn thị thực ngắn hơn thời hạn hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế ít nhất 30 ngày.
Trình tự thủ tục mời, bảo lãnh người nước ngoài nhập cảnh
- Trước khi làm thủ tục mời, bảo lãnh người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam, doanh nghiệp, tổ chức phải gửi thông báo chứng minh tư cách pháp nhân cho cơ quan quản lý xuất nhập cảnh bao gồm giấy phép thành lập tổ chức; văn bản giới thiệu con dấu, chữ ký của người có thẩm quyền của tổ chức.
- Doanh nghiệp, tổ chức mời, bảo lãnh người nước ngoài trực tiếp gửi hồ sơ đề nghị cấp thị thực tại cơ quan quản lý xuất nhập cảnh.
- Sau khi nhận được hồ sơ xin cấp thị thực của doanh nghiệp, tổ chức, cơ quan quản lý xuất nhập cảnh xem xét, giải quyết, trả lời và thông báo cho cơ quan có thẩm quyền cấp thị thực của Việt Nam ở nước ngoài.
- Sau khi nhận được văn bản trả lời của cơ quan quản lý xuất nhập cảnh, doanh nghiệp, tổ chức mời, bảo lãnh người nước ngoài vào Việt Nam thông báo cho người nước ngoài để làm thủ tục nhận thị thực tại cơ quan có thẩm quyền cấp thị thực của Việt Nam ở nước ngoài.
Cơ quan có thẩm quyền giải quyết: Cục Quản lý xuất nhập cảnh - Bộ Công an
Thời hạn giải quyết: 7-10 ngày làm việc
Mức thu phí cấp thị thực cho người nước ngoài:
- Cấp thị thực có giá trị một lần: 25 USD/chiếc
- Cấp thị thực có giá trị nhiều lần:
- Loại có giá trị đến 03 tháng: 50 USD/chiếc
- Loại có giá trị trên 03 tháng đến 06 tháng: 95 USD/chiếc;
- Loại có giá trị trên 06 tháng đến 01 năm: 135 USD/chiếc
- Loại có giá trị trên 01 năm đến 02 năm: 145 USD/chiếc;
- Loại có giá trị trên 02 năm đến 05 năm: 155 USD/thẻ.
Xử phạt hành chính liên quan đến thủ tục bảo lãnh người nước ngoài vào Việt Nam:
Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với hành vi sau đây: Cá nhân, tổ chức ở Việt Nam bảo lãnh hoặc làm thủ tục cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam, xin cấp thị thực, cấp thẻ tạm trú, gia hạn tạm trú, giấy tờ có giá trị nhập cảnh, cư trú tại Việt Nam nhưng không thực hiện đúng trách nhiệm theo quy định của pháp luật hoặc khai không đúng sự thật khi bảo lãnh, mời hoặc làm thủ tục cho người nước ngoài nhập cảnh, xin cấp thị thực, cấp thẻ tạm trú, gia hạn tạm trú, giấy tờ có giá trị nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú tại Việt Nam.