Đăng ký tạm ngừng kinh doanh tại Việt Nam

Ngày đăng: 12/07/2021

Do biến động của nền kinh tế, đặc biệt trong bối cảnh dịch COVID-19 như hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã phải gồng mình cân đối lại thu chi để tiếp tục tồn tại trên thị trường. Tuy nhiên, có không ít doanh nghiệp quyết định tạm thời “đóng cửa” công ty và chờ đợi dấu hiệu khởi sắc mới tiếp tục hoạt động sản xuất, kinh doanh trở lại. Để tránh phát sinh bất kỳ nghĩa vụ nào của doanh nghiệp với cơ quan chức năng trong quá trình tạm ngừng kinh doanh (như kê khai, đóng thuế, đóng bảo hiểm xã hội..., trừ số thuế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp còn nợ) hoặc tránh bị đóng mã số doanh nghiệp khi cơ quan phát hiện doanh nghiệp không còn hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký mà không thông báo, người đại diện của doanh nghiệp phải thông báo tình trạng tạm ngừng kinh doanh với Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính. 

Căn cứ pháp lý về việc đăng ký tạm ngừng kinh doanh:

  • Luật Doanh nghiệp năm 2020;
  • Nghị định 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp;
  • Nghị định 122/2020/NĐ-CP quy định về phối hợp, liên thông thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện, khai trình việc sử dụng lao động, cấp mã số đơn vị tham gia bảo hiểm xã hội, đăng ký sử dụng hóa đơn của doanh nghiệp;
  • Nghị định 50/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư;

Trình tự thủ tục đăng ký tạm ngừng kinh doanh:

Thời hạn đăng ký tạm ngừng kinh doanh

Doanh nghiệp khi có nhu cầu tạm ngừng hoạt động phải thông báo bằng văn bản cho Cơ quan đăng ký kinh doanh chậm nhất là 03 ngày làm việc trước ngày tạm ngừng kinh doanh. Sau khi hết thời hạn đã thông báo, nếu doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh vẫn tiếp tục muốn tạm ngừng thì phải thông báo tiếp cho Cơ quan đăng ký kinh doanh. Tổng thời gian tạm ngừng kinh doanh liên tiếp không được quá hai năm.

Thay đổi trạng thái hoạt động của doanh nghiệp trên Công bố thông tin:

Cơ quan chức năng sau khi tiếp nhận hồ sơ, sẽ chuyển tình trạng pháp lý của doanh nghiệp trên Cổ thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp từ “Đang hoạt động” sang “Tạm ngừng kinh doanh”. Ngày chuyển tình trạng pháp lý “Tạm ngừng kinh doanh” là ngày doanh nghiệp đăng ký bắt đầu tạm ngừng kinh doanh. Ngày kết thúc tình trạng pháp lý “Tạm ngừng kinh doanh” là ngày kết thúc thời hạn tạm ngừng kinh doanh mà doanh nghiệp đã thông báo hoặc ngày doanh nghiệp đăng ký tiếp tục kinh doanh trước thời hạn đã thông báo.

Những thông tin Khách hàng cần cung cấp

  • Quyết định, Nghị quyết và Biên bản họp về việc tạm ngừng kinh doanh;
  • Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
  • Hồ sơ đăng ký tạm ngừng kinh doanh
  • Thông báo tạm ngừng kinh doanh;
  • Nghị quyết, quyết định và bản sao biên bản họp của Hội đồng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, của Hội đồng quản trị đối với công ty cổ phần; nghị quyết, quyết định của chủ sở hữu công ty đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên về việc tạm ngừng kinh doanh

Cơ quan có thẩm quyền giải quyết tạm ngừng kinh doanh: Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính
Thời hạn giải quyết: 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ.

Xử lý hành chính về thủ tục tạm ngừng kinh doanh

Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi đăng ký tạm ngừng kinh doanh nhưng không thông báo tạm ngừng hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh;
 

TOP
+84 976 099 921
+84 976 099 921